Hai nhà cung cấp "so găng"
Liên quan tới việc Viettel gửi văn bản tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phản ánh rất nhiều xe đã được đấu nối thẻ định danh ePass của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC, thuộc Tập đoàn Viettel), nhưng Công ty TNHH Thu phí tự động VETC vẫn tiếp tục mời chào và đấu nối thêm thẻ eTag lên xe. Lũy kế đến thời điểm ngày 31/7 có tổng cộng gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị "dán chồng thẻ" eTag.
Đơn vị này khẳng định, việc dán chồng thẻ là vi phạm Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC; không tuân thủ quy chế phối hợp cung cấp dịch vụ.
Viettel cho biết, gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị "dán chồng thẻ" eTag (Ảnh: Hoàng Giám).
Trao đổi với PV Dân trí tối 10/8, đại diện VETC cho biết đơn vị không có mối liên hệ trực tiếp với Viettel; chưa nhận được văn bản nào của Viettel về việc phối hợp xử lý hiện tượng dán chồng thẻ.
"Cho đến nay, chưa có định nghĩa và phân loại cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về lỗi dán chồng thẻ ETC. VETC đang tích cực phối hợp, làm việc với Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, VDTC để làm rõ, phân loại các lỗi thẻ ETC, trách nhiệm của các bên để có kết luận và giải pháp chung nhằm khắc phục triệt để các lỗi thẻ phát sinh" - đại diện VETC cho biết.
Theo đại diện VETC, trong phạm vi các quy định hiện hành của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về thu phí ETC, thực tế vận hành trên các tuyến đường cao tốc, trạm thu phí, VETC ghi nhận một số lỗi thẻ ETC phổ biến.
Cụ thể, lỗi về kích hoạt tài khoản giao thông "ảo"; dán thẻ của nhà cung cấp này lên xe nhưng bị kích hoạt tài khoản giao thông "ảo" bởi nhà cung cấp khác; lỗi chưa kích hoạt khi xe đã dán thẻ (VETC tiến hành kích hoạt khi nhận được yêu cầu của chủ phương tiện, có văn bản đồng ý chấp thuận); lỗi dán nhiều thẻ cho cùng một xe, tháo gỡ thẻ ETC hợp lệ của nhà cung cấp dịch vụ này và thay thế bằng thẻ của nhà cung cấp khác.
Lỗi vật lý của thẻ ETC đã dán trên xe do lỗi kỹ thuật như lão hóa, dán sai vị trí, sai quy cách và chất lượng lượng thẻ, đơn vị tiến hành thu hồi, thay thế thẻ mới với các thẻ VETC tại các điểm dịch vụ của VETC. VETC không có chính sách thay thế, đổi trả với thẻ của VDTC đã dán trên xe và đã kích hoạt tài khoản giao thông.
Nhân viên VETC dán thẻ ETC ở trạm thu phí (Ảnh: Hoàng Giám).
VETC cho biết đã có văn bản báo cáo gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và kiến nghị ban hành quy định cơ sở về việc kích hoạt tài khoản giao thông khi có đầy đủ các điều kiện hợp lệ; thanh tra toàn diện và tuyên hủy tất cả các tài khoản giao thông bị kích hoạt ảo vẫn còn đang lưu hành; ban hành quy định tiêu chuẩn thẻ ETC để các nhà cung cấp dịch vụ có cơ sở áp dụng và thực hiện đồng bộ…
Bất ngờ kết quả rà soát thẻ ETC
Liên quan tới tình trạng "thẻ chồng thẻ", đại diện Bộ GTVT cho biết việc dán chèn gần 40.000 thẻ ETC là điều "khó hiểu", bởi lượng thẻ lớn như vậy có thể gây ra khủng hoảng trong hệ thống ETC và nảy sinh nhiều bất cập khó lường. Bộ này đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, làm rõ sự việc, có phương án xử lý triệt để những bất cập.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ đã thành lập đoàn kiểm tra công tác dán thẻ của 2 nhà cung cấp dịch vụ VDTC và VETC. Qua kiểm tra cho thấy tình trạng dán chồng 2 thẻ trên xe ô tô, đáng nói là tình trạng này xảy ra ở cả hai nhà cung cấp dịch vụ.
Qua kiểm tra xác suất dữ liệu đấu nối thẻ đầu cuối, mở tài khoản dịch vụ thu phí ETC của 9 phương tiện được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của VETC và VDTC xác định cả 2 nhà cung cấp dịch vụ đều có tình trạng dán thẻ, mở tài khoản cho phương tiện đã đăng ký mở tài khoản của bên còn lại. Trong 9 phương tiện dán thẻ thì 6 xe VDTC mở tài khoản trước, VETC mở tài khoản chèn sau. Có 3 phương tiện VETC đã mở tài khoản trước, VDTC mở tài khoản chèn sau.
Tổng cục Đường bộ đánh giá, nguyên nhân có thể là do khách hàng đã dán thẻ lâu ngày, bị bong tróc, nhà cung cấp dịch vụ làm thủ tục dán lại thẻ chứ không có chuyện bóc thẻ của nhà cung cấp dịch vụ này dán bằng thẻ của nhà cung cấp dịch vụ khác.
Cơ quan này yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ báo cáo số liệu cụ thể trước ngày 15/8, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Bộ GTVT biện pháp xử lý. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài để xử phạt hành vi dán chồng thẻ. Thông tư 15 của Bộ GTVT quy định về hoạt động trạm thu phí và Quyết định 19 của Thủ tướng về thu phí ETC chưa quy định cụ thể chế tài xử phạt.
Hệ thống cao tốc thu phí ETC hoàn toàn từ ngày 1/8 (Ảnh: Hoàng Giám).
Cũng liên quan tới thẻ ETC, đại diện Bộ GTVT thông tin việc phát hiện hiện tượng kích hoạt thẻ "ảo" người tham gia giao thông từ trước, nguyên nhân do cộng tác viên của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chạy chỉ tiêu nên lấy thông tin để kích hoạt "khống" trên hệ thống.
Nhận thấy có những bất cập, Bộ GTVT đã liên tục có văn bản chỉ đạo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 2 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định. Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ khắc phục các tồn tại, vướng mắc, xử lý hiện tượng kích hoạt thẻ "ảo" và có chế tài xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, quy định hợp đồng.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, để giải quyết căn cơ các vấn đề tồn tại, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ một khuôn khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, ban hành một nghị định cụ thể để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống ETC lâu dài; quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm, chế tài xử phạt các chủ thể liên quan.
Hiện cả nước có khoảng 4,8 triệu ô tô. Tính đến ngày 2/8, đã có hơn 3,5 triệu xe dán thẻ đầu cuối, đạt gần 76%.
Tin liên quan
Bỏ quy định số dư trong tài khoản thu phí không dừng
Đang được quan tâm
Hàng chục ngàn xe đã dán ePass bị VETC "cưỡng bức" dán chồng thẻ eTag Viettel vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông vận tải phản ánh việc có gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị Công ty VETC dán chồng thẻ Etag, gây thiệt hại và lỗi khi xe qua trạm thu phí.
Bỏ quy định số dư trong tài khoản thu phí không dừng Từ ngày 6/8, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức bỏ quy định số dư tài khoản thu phí ETC đối với chủ phương tiện tại đầu vào các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý.
"Phạt nguội" xe vi phạm quy định thu phí không dừng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ Công an trích xuất dữ liệu từ hệ thống thu phí ETC để xử phạt nghiêm theo đúng quy định xe không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC, gây ùn tắc giao thông.
Từ hôm nay, dán thẻ thu phí tự động ETC sẽ phải trả 120.000 đồng Tất cả các phương tiện dán mới hoặc dán lại thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) của bất kể VETC hay ePass đều sẽ phải trả phí 120.000 đồng/xe, kể từ 6/8 trở đi.
Thực hư việc tài khoản phải còn từ 150.000 đồng mới được vào đường cao tốc Việc không đủ mức tiền tối thiểu trong tài khoản là một trong những nguyên nhân khiến barie không mở khi xe lưu thông qua trạm thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc.
Vì sao nhiều người "mất tiền oan" khi nạp tài khoản ETC? Các nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng khẳng định không hề thu bất cứ loại phí nạp tiền nào của người dân, phí này là do phía ngân hàng hoặc đơn vị trung gian thanh toán quy định.
Điểm danh những lỗi "trớ trêu" của thu phí tự động không dừng Hệ thống thu phí tự động không dừng không nhận diện được thẻ là lỗi chiếm tỷ lệ lớn nhất. Việc này xuất phát từ việc tài khoản của chủ phương tiện không đủ tiền hoặc do chưa kích hoạt thẻ.
Bị gán "khống" tài khoản thu phí tự động, tài xế "than trời" vì khó hủy Nhiều tài xế phản ánh bị kích hoạt tài khoản thu phí tự động ePass dù không hề đăng ký, tuy nhiên khi muốn hủy dịch vụ thì thủ tục rất phức tạp.
Vì sao ô tô rơi vào "điểm mù" nhận diện, tài khoản ETC kích hoạt bất thành? Nhiều tài xế không thể lưu thông trên cao tốc do hệ thống ETC không nhận diện được phương tiện, không chuyển được tiền vào tài khoản… Nhân viên buộc phải tra soát thủ công khi đang thu phí tự động.
Tài xế xếp hàng dài chờ dán thẻ ETC qua trạm thu phí tự động ở TPHCM