Hiện tượng tĩnh điện thường xảy ra vào mùa đông, có thể khiến nhiều người cảm thấy khó chịu (Ảnh minh họa: Getty).
Cứ mỗi khi mùa đông tới, nhiều người e sợ vì đột nhiên thấy bị giật điện lúc chạm vào nắm cửa, đồ vật bằng kim loại, quần áo, thậm chí là tay của người đối diện. Vì sao lại thế?
Theo lý giải khoa học, chúng ta vốn dĩ biết rằng electron, proton và neutron tạo nên các nguyên tử. Trong đó, electron có điện tích âm. Proton có điện tích dương. Neutron thì trung tính.
Khi chúng ta hoạt động, cơ thể cọ xát vào quần áo, chúng ta bị mất các electron, hay còn gọi là sự mất cân bằng điện tích âm, dẫn đến dư thừa điện tích dương.
Các đồ vật như tay nắm cửa có điện tích khác nhau, nhưng hầu hết đều có thành phần tích điện âm lớn hơn. Bởi vậy khi chạm vào tay nắm cửa, các electron sẽ di chuyển từ vật thể đến tay của bạn, tạo ra dòng điện và khiến chúng ta bị điện giật, cảm giác hơi tê tay.
Đây chính là hiện tượng phóng tĩnh điện, hay tích điện (ESD). Nó thường xảy ra khi chúng ta mặc quần áo có chất liệu sợi tổng hợp như polyester, nylon - vốn là vật liệu dễ tích điện nếu liên tục chịu tác động ma sát.
Một trường hợp cũng hay gặp phải trong mùa đông chính là tóc dựng ngược lên khi cởi bỏ mũ, cởi áo... đồng thời tạo ra âm thanh "tanh tách". Nó thậm chí mạnh tới mức tóe ra tia lửa, tạo ra âm thanh, khiến chúng ta giật mình.
Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể gặp phải sự mất cân bằng điện tích này trong mọi lúc, chứ không riêng gì mùa đông. Tuy nhiên vào mùa đông, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng của độ ẩm. Đây vốn dĩ là yếu tố liên quan chặt chẽ đến hiện tượng phóng tĩnh điện.
Về cơ bản, không khí lạnh không giữ được nhiều độ ẩm như khối không khí ấm, và khiến môi trường trở nên khô hơn. Điều này khiến cơ thể bạn có thể giữ được lượng điện tích cao hơn, và dễ xảy ra phóng tĩnh điện hơn.
Ngoài ra, khả năng tĩnh điện từ quần áo, khăn quàng, chăn... cũng được quyết định bởi nguyên liệu, tính chất lý hóa của các loại xơ sợi bên trong.
Làm gì để tránh bị tĩnh điện?
Làm tăng độ ẩm trên da có thể hạn chế tình trạng tĩnh điện (Ảnh: Getty).
Mặc dù không gây nguy hiểm, cũng như không có bất cứ tác hại nào cho sức khỏe, song hiện tượng tĩnh điện có thể khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Để hạn chế điều này, bạn có thể tăng thêm độ ẩm trong không khí bằng cách sử dụng máy phun sương, hoặc tăng cường độ ẩm cho da bằng các loại kem dưỡng ẩm, kem nẻ... để hạn chế hiện tượng tĩnh điện
Ngoài ra, bạn cũng có thể hạn chế sử dụng quần áo có chất liệu sợi tổng hợp như polyester, nylon... vì chúng dễ dẫn tới tĩnh điện. Thay vào đó, hãy sử dụng quần áo có chất liệu vải tự nhiên như cotton.
Bên cạnh đó, việc ngâm quần áo với nước xả vải cũng có thể giúp làm mềm quần áo và hạn chế bớt tình trạng tĩnh điện. Cuối cùng, thay vì làm khô quần áo bằng máy sấy, thì phơi cũng là cách giúp giảm nguy cơ xảy ra hiện tượng này.
Ăn chơiNhững thiết bị ngốn điện nhất trong mùa đôngTheo Dân Trí Xem link gốcẨn link gốc https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/noi-lo-dung-dau-cung-bi-giat-trong-mua-dong-va-cach-khac-phuc-20231225171834781.htm?fbclid=IwAR0HFuOsIQN4quKSV2WVxUarX8DKrVvcimLT2vPIrmCl3EJdOGfgvCQ1ba8 Chia sẻ