Ngôi làng hoang sơ, đẹp tựa cổ tích mà chúng tôi nhắc đến đó là làng Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Trước đây, ở cái nơi xa xôi này, không ai nghĩ lại trở thành một điểm du lịch nổi tiếng như hiện nay. Cũng nhờ từ ngày làm du lịch, bà con nơi đây có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống, làng Vi Rơ Ngheo nằm lọt thỏm trong thung lũng, bao quanh là những dãy núi nguyên sinh trùng điệp. Sương mù giăng kín lối, những mái nhà sàn lúc ẩn lúc hiện khiến ngôi làng trở nên kỳ bí, tò mò với khách du lịch.
Vi Rơ Ngheo là ngôi làng cổ của người Xơ Đăng. Với địa hình cách trở, tập quán định canh, định cư người làng sống tự cung tự cấp tách biệt với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, từ ngày được khai sáng làm du lịch, làng Vi Rơ Ngheo ngày nào đã khoác lên mình một diện mạo mới. Nhà cửa, đường xá khang trang hơn, cuộc sống của người dân bắt đầu khởi sắc.
Có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận nhịp sống nhộn nhịp ở làng Vi Rơ Ngheo. Tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng, những homestay mọc lên chi chít. Ở khắp các ngõ ngách, từ đầu đến cuối làng phủ kín hoa phong lan. Cảnh vật đơn sơ, mang vẻ đẹp hoang dại, không khí trong lành làm nức lòng du khách.
Mái nhà rông cổ kính là niềm tự hào của người làng Vi Rơ Ngheo.
Trò chuyện với chúng tôi, anh A Đâm (33 tuổi, ngụ làng Vi Rơ Ngheo), chủ một homestay chia sẻ, nhiều năm về trước rất ít người lui tới Vi Rơ Ngheo. Có chăng cũng chỉ là các cán bộ, giáo viên đến tuyên truyền, vận động.
Cách đây vài năm, có một đoàn khách ưa xê dịch đã tìm đến làng. Họ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của Vi Rơ Ngheo, nên ngỏ ý muốn tìm hiểu cảnh đẹp cũng như văn hóa truyền thống ở đây.
Người dân trong làng cũng nhiệt tình dắt du khách đi tham quan, trải nghiệm. Họ được người dân bản địa mời thưởng thức những món ăn dân dã và hòa mình vào văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng. Sáng hôm sau, đoàn khách lạ mới rời làng để trở về thị trấn trong nỗi luyến lưu, tiếc nuối.
Cũng bắt đầu từ đây, vẻ đẹp của Vi Rơ Ngheo được lan truyền trên các trang mạng xã hội, du khách xem đây như một địa điểm du lịch lý thú. Không chỉ du khách trong nước mà du khách nước ngoài cũng tìm đến Vi Rơ Ngheo để nghỉ dưỡng.
Du khách mê mẩn với những giai điệu ngân vang của tiếng chiêng, nhạc cụ mang đậm văn hoá bản sắc của người dân địa phương.
Cuộc sống đổi thay
Ông A Hiền (44 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã du lịch Vi Rơ Ngheo, người sở hữu nhiều homestay nhất làng cho hay, trước đây người dân làng Vi Rơ Ngheo chưa biết làm du lịch cộng đồng, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Sau đó, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về lợi ích từ làm du lịch cộng đồng để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, dân làng đã đồng thuận cao.
Các giá trị văn hóa truyền thống được người dân giữ gìn và phát huy tích cực, như: Múa xoang, đánh cồng chiêng, sinh hoạt cộng đồng.
“Trong làng có 20 căn nhà được dân làng nâng cấp, sửa chữa thành những homestay phục vụ khách lưu trú. Nhà thiết kế theo phong cách truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, nhìn ra những cánh đồng, sông suối”, ông Hiền nói.
Những nhánh lan rừng mang vẻ đẹp thuần khiết của núi rừng được trồng khắp các ngõ ngách trong làng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông chia sẻ, đến nay đã có 50/63 hộ dân trong làng tham gia hợp tác xã du lịch.
Với sự giúp đỡ từ chính quyền và sự nỗ lực của người dân, làng Vi Rơ Ngheo đã hình thành các đội múa xoang, đánh cồng chiêng. Người dân Vi Rơ Ngheo còn xây dựng từng nhóm hộ trồng rau, nuôi gà, heo, bắt cá suối và tổ chức nấu ăn phục vụ khi có khách đến thăm làng. Huyện cũng kết nối các tour du lịch khám phá hồ, thác quanh làng Vi Rơ Ngheo.
“Huyện sẽ tổ chức đưa các hộ gia đình đi học tập kinh nghiệp ở những mô hình làm du lịch cộng đồng đã thành công ở các tỉnh khác. Để rồi từ những mô hình đó, họ sẽ về triển khai phù hợp với ngôi làng của mình. Mục tiêu của huyện là xây dựng làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo trở thành điểm đến hấp dẫn và đạt chuẩn ASEAN”, ông Thắng nói.