'Vá rừng' trên núi đá

Nhằm phục hồi rừng tự nhiên của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, từ năm 2022, Chương trình 'Vá rừng trên núi đá' đã được triển khai với sự hỗ trợ tài chính của Hiệp hội Bảo tồn ngoại cảnh châu Âu (EOCA). Chương trình đã tiến hành các hoạt động trồng phục hồi rừng, đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng nhằm bảo tồn và mở rộng sinh cảnh cũng như bảo tồn hiệu quả các loài động, thực vật quý hiếm thông qua kết nối hành lang rừng Vân Hồ tới Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò (tỉnh Hòa Bình).

 

'Vá rừng' trên núi đá

Những loài cây làm thức ăn cho vượn đen má trắng đã được trồng nhằm phủ xanh các khu rừng ở xã Vân Hồ. Ảnh: Bích NgọcHệ sinh thái trong tình trạng nguy cấp

Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích 5.258ha. Điều tra năm 2009 tại đây ghi nhận 35 loài thực vật bị đe dọa theo Sách Đỏ Việt Nam (2007); 16 loài được xác định là động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; 11 loài được xếp trong Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Nằm sát Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò là dải rừng tự nhiên của xã Vân Hồ với diện tích hơn 1.200ha có giá trị đa dạng sinh học cao. Trong đó, có nhiều loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng như thông Pà Cò, thông đỏ bắc, bách xanh đá, nghiến, trai lý, các loài lan kim tuyến... Rừng tự nhiên xã Vân Hồ cũng là ngôi nhà của loài vượn đen má trắng chỉ có ở Việt Nam và Lào, đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp cần được bảo vệ. Người dân sinh sống ở dải rừng này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Theo quan niệm của người Mông, đàn vượn được xem như linh vật không được phép xâm hại, tuy nhiên, quần thể quý hiếm này đang đối mặt với nguy cơ mất nhà và nguồn thức ăn do các hoạt động xâm lấn, chia cắt đất rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ, củi.

Theo khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) năm 2020, ở khu vực rừng tự nhiên của xã Vân Hồ ghi nhận quần thể vượn đen má trắng sinh sống theo 3 đàn. Quần thể vượn này đã di chuyển quanh các xã Lóng Luông và Vân Hồ từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, sinh cảnh rừng bị tác động và chia cắt mạnh nên 3 đàn vượn hiện đã tập trung sinh sống tại một khu rừng nhỏ ở xã Vân Hồ. Do áp lực từ các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở Vân Hồ đã và đang bị tác động, phân mảnh. Ước tính, khoảng 25% diện tích rừng tự nhiên tại Vân Hồ đã bị tàn phá và suy thoái, cần được phục hồi để đảm bảo cảnh quan tự nhiên và duy trì sinh cảnh sống cho loài vượn đen má trắng.

Ông Trần Đức Hiển, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ cho biết: “Ngày 24/1/2022, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 227/UBND-KT cho phép PanNature chủ trì, phối hợp với huyện Vân Hồ thực hiện nghiên cứu bảo tồn quần thể vượn đen má trắng và sinh cảnh sống tự nhiên của chúng. Trong thời gian qua, PanNature đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu sinh thái và bảo tồn vượn đen má trắng tại Vân Hồ”.

Phục hồi rừng phục vụ phát triển kinh tế

Hiện nay, mặc dù người dân đã nhận thức tốt hơn về việc bảo vệ rừng để duy trì nguồn nước và phát triển du lịch, tuy nhiên, nhiều mảng rừng bị chia cắt cần rất nhiều thời gian để có thể phục hồi theo diễn thế tự nhiên. Với sự hỗ trợ của con người, quá trình phục hồi rừng sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhận thức được điều đó, từ năm 2022, PanNature đã phối hợp với chính quyền huyện Vân Hồ và các cơ quan chức năng tổ chức Chương trình “Vá rừng trên núi đá” tại xã Vân Hồ với sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng người dân sinh sống ở đây.

Người dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng Chương trình “Vá rừng trên núi đá”. Ảnh: Bích Ngọc

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature nhận định: “Phục hồi hệ sinh thái rừng là nhiệm vụ cấp bách trong thập kỷ toàn nhân loại đang chung tay để tránh một cuộc khủng hoảng sinh thái, song lại đòi hỏi sự bền bỉ và chung tay của cả cộng đồng. Phong trào phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong thời gian gần đây dưới nhiều hình thức khác nhau cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, đoàn thể cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng đối với hoạt động này. Đây là một tín hiệu rất tốt để thúc đẩy các hoạt động phục hồi rừng tại những khu vực rừng nghèo, rừng bị suy thoái, phân mảnh hoặc rừng trống”.

“Tại Vân Hồ, PanNature chọn cách phục hồi những mảng rừng bị chia cắt, suy thoái bằng cách bổ sung các loài cây bản địa và những loài cây là nguồn thức ăn chính của quần thể vượn đen má trắng quý hiếm. Chúng tôi có kế hoạch dài hạn nhằm phục hồi rừng ở khu vực này nhằm phục hồi quần thể loài vượn, đồng thời góp phần thúc đẩy các giải pháp sinh kế xanh cho cộng đồng địa phương. Trong kế hoạch này, chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng địa phương, các tổ chức, cá nhân trong cả nước” - ông Trịnh Lê Nguyên cho biết thêm.

Năm 2023, Chương trình “Vá rừng trên núi đá” đã trồng được hơn 5.000 cây dổi, trám, móc, đa, mắc mật, 1.000 cây dâu da xoan, phát tán gần 9.000 bom hạt trên diện tích gần 10ha rừng thuộc bản Pa Cốp và Hua Tạt thuộc xã Vân Hồ. Trước đó, vào tháng 6/2022, PanNature đã chức trồng cây tại các khu vực rừng phân mảnh và nghèo kiệt do cộng đồng quản lý tại bản Hua Tạt. Các thành viên tham dự chương trình đã gieo được 4.500 bom hạt, trồng được 1.025 cây dổi, trám, dâu da và 250 hom (đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới) đa. Đây là những loài cây thức ăn cho loài vượn đen má trắng nguy cấp và quý hiếm nơi đây.

Nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ hệ sinh thái rừng trên toàn quốc, trong năm 2021, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Từ đây, tạo ra một phong trào trồng cây, trồng rừng rộng khắp với sự tham gia đông đảo của các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân dưới nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp.

“Riêng với Vân Hồ, khu vực sinh thái trọng yếu của Sơn La, nơi sở hữu những cánh rừng già trên núi đá với hệ thống động, thực vật vô cùng phong phú, đặc biệt là loài vượn đen má trắng đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp cần được bảo vệ; việc bảo tồn và phục hồi rừng càng trở nên cấp bách hơn, nhất là khi nhiều diện tích rừng đang bị phân mảnh và suy thoái do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm. Việc phục hồi những mảnh rừng nơi đây không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái, đa dạng sinh học, mà còn góp phần hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế thông qua các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...” - ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của các hoạt động phục hồi rừng tại xã Vân Hồ.

Theo Nguồn baomoi.com

'Vá rừng' trên núi đá - Tin Mới