Chồng tôi không có ý kiến gì về bức ảnh tôi đăng, vậy mà những người khác lại lo lắng thay tôi. Là do mọi người "quan trọng hóa vấn đề" hay do tôi quá vô tư.
Một ngày, sau giấc ngủ trưa ngắn ở công ty, tôi mở điện thoại ra và thấy cuộc gọi nhỡ của anh bạn đồng hương. Trước cuộc gọi nhỡ ấy là tin nhắn: "Ôi trời, em như thế này không bị chồng ghen mới lạ".
Anh ấy là đồng hương cùng quê với tôi, vốn là đồng nghiệp cũ của chồng tôi. Anh nghỉ việc về quê đã lâu, cũng khá lâu không liên lạc. Tin nhắn và cuộc gọi nhỡ của anh ấy khiến tôi có chút bất ngờ. Không khó để đoán ra anh ấy vừa xem những bức ảnh họp lớp tôi đăng trên trang cá nhân, trong đó có bức ảnh tôi cầm tay một bạn trai cùng lớp.
Tôi trả lời anh ấy: "Ghen gì anh, bạn bè mà". Thật lòng lúc đó tôi nghĩ, bạn bè cầm tay nhau chụp ảnh có vấn đề gì đâu, tư tưởng tôi hoàn toàn trong sáng như ánh mặt trời.
Tôi liên tục bị trách móc chỉ vì... đăng ảnh cầm tay bạn nam khi đi họp lớp. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, trong cách nhìn của người khác, mọi chuyện hình như không đơn giản như vậy. Trên nhóm lớp của tôi, các cô bạn bắt đầu bàn luận: "Bà Trang đăng ảnh cầm tay ông Tú lên Facebook à? Chắc là chồng bà ấy không dùng Facebook, hoặc là trước khi đăng đã chặn chồng để không xem được rồi".
Các bạn ấy bảo tôi liều, không sợ chồng ghen. Hễ nói đến đi họp lớp là đã "nhạy cảm", đằng này còn đăng ảnh cầm tay bạn khác giới lên mạng xã hội đúng là liều quá.
Không chỉ có vậy, tối đó mẹ tôi gọi điện, giọng hơi khó chịu: "40 tuổi đầu rồi, có chồng con mà đăng ảnh cầm tay người đàn ông khác lên mạng thế kia, thật chẳng ra thể thống gì, có mau xóa đi không?".
Bỗng nhớ lại dạo gần đây, tôi có đọc được mấy bài tâm sự về chuyện đi họp lớp. Nào là chồng cấm vợ đi họp lớp vì sợ vợ gặp lại "người cũ" là bạn học ngày xưa. Nào là chuyện vợ đi họp lớp, gặp lại người xưa bỗng nhận ra tim mình còn lao xao, rung động và rất nhiều những câu chuyện xoay quanh chủ đề này.
Đa phần mọi người đều có chút ác cảm với chuyện họp lớp vì cho rằng, đó là nơi "tình cũ tìm về", là nguyên nhân khiến cho nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình trạng lục đục, thậm chí tan vỡ.
Mọi người không nên nhạy cảm quá với chuyện vợ hay chồng mình tham gia họp lớp. (Ảnh minh họa)
Nhưng đó là chuyện xảy ra ở đâu đâu, còn với riêng lớp tôi, đó là dịp cực kỳ hiếm hoi để gặp lại thầy cô và bạn bè xưa cũ. Không gì vui hơn có thể gặp lại những người đã cùng mình đi chung một chặng đường tuổi trẻ đầy ước mơ và khát vọng.
Kể từ khi ra trường, người Nam - kẻ Bắc như chim rời tổ bay khắp phương trời. Trong chặng đường dằng dặc xa nhau, ai cũng phải trải qua những niềm vui, nỗi buồn, khó khăn và biến cố riêng để trưởng thành.
Để ngày gặp lại nhau, gặp lại tuổi thanh xuân của mình, thấy ai cũng chín chắn, điềm đạm hơn, biết lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn, lòng ngập tràn nỗi xúc động. Họp lớp vốn không hề xấu, chỉ là có vài người đã khiến nó trở nên xấu xí đi vì những nông nổi, những ích kỷ của bản thân.
Vậy nên tôi nghĩ, mọi người không nên nhạy cảm quá với chuyện vợ hay chồng mình tham gia họp lớp. Điều quan trọng nhất chính là bản thân mỗi người tự biết đặt ra giới hạn cho bản thân, giữ cho mình và giữ cho người. Tình yêu thuở học trò nếu có hãy coi như là nét chấm phá trong đời, những kỷ niệm đẹp của thời tuổi trẻ.
Để mỗi người khi có cơ hội tìm về gặp bạn cũ, trường xưa chỉ là những vui vẻ hân hoan, chân thành xúc động chứ không phải ái ngại vì những lo lắng, nghi ngờ.
Theo Dân trí