GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, khi ban phụ huynh lấy tiền quỹ lớp để tặng quà GV các dịp lễ, Tết là biểu hiện vi phạm Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Món quà của học trò kết bằng những bông hoa trong vườn dành tặng cô. Ảnh: INT |
Tặng quà thầy cô có sai?
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về bảng dự kiến thu chi các khoản trong năm học được cho ở một trường tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, tiền chi cho việc chúc mừng ngày 20/11 là 9,2 triệu đồng. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm lớp và hiệu trưởng sẽ được tặng 1 triệu đồng/người; giáo viên quản sinh và 2 phục vụ mỗi người 300 nghìn đồng, 11 giáo viên bộ môn mỗi người 500 nghìn đồng.
Có 2 con đang học lớp 6 và lớp 10 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thơm tâm sự: “Vợ chồng tôi làm tự do nên cuộc sống không dư dả. Nhưng đến dịp 20/10 hay 20/11, ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi lớp lại đưa ra ý kiến tặng quà thầy cô từ tiền quỹ lớp. Điều này tôi thấy không hợp lý vì quỹ chỉ dùng cho hoạt động của học sinh, tại sao lại chi tặng giáo viên. Dù bức xúc nhưng tôi không dám nói”.
Chị Lê Thị Loan trú tại quận Long Biên (Hà Nội) cũng cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh lấy tiền quỹ lớp tặng giáo viên là vi phạm khoản 4, Điều 10 Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo quy định, Ban này không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Theo hiệu trưởng một trường công lập tại Hà Nội, từ nhiều năm nay, nhà trường đã nghiêm cấm giáo viên nhận quà, tiền của đại diện các lớp vào các dịp lễ, Tết. Vị này lý giải: “Trách nhiệm của thầy cô là chăm lo cho học trò học hành tiến bộ. Phụ huynh hãy yên tâm bởi các thầy cô làm việc vì trách nhiệm với nghề và tình cảm với trò chứ không phải để nhận quà. Vào những ngày đó, nhà trường sẽ tự cân đối để có chút ít quà tri ân giáo viên, nhân viên nhà trường”.
Nhiều năm nay, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thông báo và mong muốn những dịp lễ Tết, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường và phụ huynh không tặng quà, hoa cho thầy cô hay bất kỳ cán bộ nào của trường.
Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng đồng thời cho hay: Nhà trường luôn chăm lo chu đáo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hơn nữa, quỹ cha mẹ học sinh chỉ dành để khen thưởng trẻ khi tiến bộ, có thành tích cao hay kịp thời hỗ trợ em nào gặp khó khăn. Vì thế, việc tặng quà, hoa cho thầy cô khiến mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh mất đi ý nghĩa tốt đẹp. Thay vào đó, nhà trường nhận những lời chúc mừng qua tin nhắn hay những tấm bưu thiếp tự làm thể hiện sự tri ân của học trò.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Tiếng nói từ chuyên gia
Hơn 20 năm gắn bó ngành Giáo dục Thủ đô, cô Nguyễn Thị Lan (giáo viên trường tiểu học tại Hà Nội) chia sẻ: “Cả đời cống hiến và đào tạo nhiều thế hệ học trò, ước mong lớn nhất của tôi là học sinh trở thành những công dân tốt cho xã hội. Ngày trước, có trò giấu bố mẹ mang mấy quả trứng gà nhà nuôi làm quà tặng cô ngày 20/11 khiến tôi vừa giận, vừa thương. Sau khi trao đổi, bố mẹ học sinh cho rằng nhà không có gì nên món quà ấy là tấm lòng biết ơn và trân trọng cô giáo của gia đình”.
Ngày nay, đời sống nâng cao, việc tặng quà tri ân tới thầy cô có nhiều đổi khác. Dù vậy, vị thế của người thầy trong xã hội vẫn cần được tôn trọng. Theo cô Lan, món quà về tinh thần của học trò gửi tới thầy cô mới đáng quý chứ không phải là tiền tài, vật chất. Nếu phụ huynh có lòng hãy để các con tự làm những tấm thiệp thủ công kèm lời tri ân gửi tới thầy cô.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh từ nhiều năm nay, nhưng việc thực hiện ở mỗi nơi mỗi khác.
Về bản chất, tặng quà tri ân của học trò tới thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hết sức bình thường, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ đấy là nhiệm vụ của học sinh chứ không phải của phụ huynh. Nhiều phụ huynh đang làm không đúng chức năng của mình là phối hợp với thầy, cô giáo để giáo dục con mà tập trung tặng quà giáo viên với động cơ, mong muốn vượt ngoài tình cảm, thiếu trong sáng.
Vị chuyên gia phân tích, những người thầy luôn mong học trò học hành tiến bộ để trưởng thành, nên người. Đến ngày lễ, Tết hay hiến chương các nhà giáo 20/11, thầy cô chỉ cần nhận được những lời chúc mừng và món quà mộc mạc do học trò tự tay làm… đã cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc và tiếp thêm động lực với nghề. Ban đại diện cha mẹ học sinh không nên lạm dụng tiền quỹ lớp để chi không đúng mục đích ban đầu.
“Trường hợp phụ huynh muốn bày tỏ lòng tri ân với thầy cô thì cần thống nhất kế hoạch với nhà trường từ đầu năm về việc lập một quỹ tri ân. Quỹ này thu công khai và chỉ sử dụng dịp 20/11 để chi đủ cho việc tri ân cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Dù vậy, ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT để tránh tình trạng thu chi sai, gây bức xúc dư luận”, TS Vũ Thu Hương nói.
Tin liên quan Kiểm điểm rút kinh nghiệm giáo viên chủ nhiệm để 'âm' quỹ lớp TPHCM: không được thu quỹ lớp