Đi 34 nước châu Âu trong 1 năm du học

Đi 34 nước châu Âu chỉ trong vòng một năm, nhất là đang trong thời gian du học, được không? Nghe cứ như chuyện đùa nhưng chàng trai 29 tuổi quê Long An ấy đã làm được.

 

Đi 34 nước châu Âu trong 1 năm du học

Nguyễn Tùng Sơn ở làng Buchs (Thụy Sĩ) - Ảnh: NVCC

Nguyễn Tùng Sơn vừa trở về Việt Nam hồi đầu năm nay, là tân thạc sĩ ngành đầu tư tài chính ĐH Queen Mary (Anh) bằnghọc bổng chính phủ Chevening. "Tôi chưa bao giờ hối hận với trải nghiệm vòng quanh châu Âu đó của mình", Tùng Sơn mở đầu câu chuyện.

Đi qua 34 quốc gia càng khiến mình thấy yêu hơn và càng muốn trở về để được gắn bó với quê hương Việt Nam.

NGUYỄN TÙNG SƠN

Làm điều không tưởng

* Nghe cứ như chuyện đùa đấy, bạn ấp ủ kế hoạch này trong bao lâu?

- Ban đầu mình không nghĩ sẽ đi được nhiều nước vậy đâu. Nộp visa Schengen lần đầu qua Lãnh sự quán Tây Ban Nha ở London tháng 11, tháng 12-2021 mình nhận lại kết quả được cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần, có hiệu lực tới tháng 6-2022. Lúc đó mới lóe lên suy nghĩ tận dụng tấm thị thực này hết mức có thể!

Càng đi càng thấy thú vị với các nền văn hóa khác nhau, lịch sử hình thành, nền văn minh của châu lục này nên đăng ký thị thực Schengen sáu tháng nữa để đi tiếp. Mình chia nhỏ các chuyến đi, theo cụm các nước từng khu vực.

Chắc do tính toán cẩn thận dựa theo kỳ nghỉ trong lịch học của trường, cả sắp xếp thời gian làm khóa luận, tính đến tháng 1-2023, mình đã đi qua 34 nước. Nhưng mình vẫn tốt nghiệp xuất sắc và hoàn thành kỳ thực tập bốn tháng tại London nhé.

* Tò mò một chút, bạn sắp xếp kế hoạch tài chính của mình thế nào cho các chuyến đi?

- Hằng tháng, mình tiết kiệm một khoản kha khá từ quỹ học bổng, và với khoản tiết kiệm riêng chừng 100 triệu đồng để chi trả các chuyến đi. Đi du lịch thường có phí di chuyển, ăn uống, vé tham quan và chỗ ở. Di chuyển, ăn uống là cố định mà chi phí này ở một số nước châu Âu không đắt như London nên mình dùng học bổng.

Vé tham quan mình tìm loại tiết kiệm nhất có thể. Còn chỗ ở đa số mình nhờ bạn bè hoặc ứng dụng Couchsurfing (chia sẻ nhà với du khách) để xin ở nhờ nên hầu như không tốn khoản này. Mình là thành viên tích cực của ứng dụng này từ lúc ở Việt Nam. Nhà mình từng cho nhiều du khách "ở nhờ" khi họ qua Việt Nam du lịch.

Chắc nhờ vậy mình nhận được đánh giá uy tín trên Couchsurfing nên các chủ nhà ở châu Âu tin tưởng và sẵn lòng cho tá túc khi mình liên hệ qua kênh này.

Mình luôn cho họ thấy muốn nghiêm túc tìm hiểu về văn hóa của nước họ khi liên hệ tìm chỗ ở nên hầu hết đều được gật đầu, mà toàn gặp chủ nhà vô cùng thú vị, ở những nơi tuyệt đẹp tại các thành phố châu Âu. Có vậy mới chi khoản phí như trên chứ không quá tốn tiền như mọi người nghĩ đâu!

Những trải nghiệm mới

* Có kỷ niệm nào đáng nhớ khi "ở nhờ" nhà người dân bản địa nhỉ?

- Đáng nhớ nhất chắc là chuyến đi qua hai quốc gia láng giềng Thụy Sĩ và Liechtenstein. Vì không tìm được người hỗ trợ ở Liechtenstein, mình quay lại Thụy Sĩ và qua đêm ở khu vực biên giới, làng Buchs. Trùng hợp sao hôm đó ở Buchs có lễ hội bia mà chủ nhà mình ở là người đứng ra tổ chức lễ hội này.

Khi đến Buchs, trước mắt mình là lễ hội bia rộn ràng của dân làng. Nhưng họ thậm chí còn kinh ngạc hơn khi thấy có người lạ xách vali vào làng mà lại là người châu Á! Hòa mình trong lễ hội, mình nhận ra người dân thôn quê Thụy Sĩ thật thà, chất phác như nông dân nước mình vậy.

Nhớ hồi chuẩn bị tham quan vùng Balkan, mình đau đầu vì không có nhiều lựa chọn về phương tiện công cộng như các nơi khác mà chủ yếu đi bằng ô tô.

Rất may mình nhớ ra người bạn Ba Lan đang học tại Serbia từng gặp khi bạn qua TP.HCM du lịch và vẫn giữ liên lạc. Bạn này có ô tô, khi nghe mình nói về chuyến du lịch bằng ô tô tới các quốc gia Balkan bạn rất hào hứng, còn rủ thêm hai người bạn khác. Vậy là tụi mình làm chuyến xuyên các quốc gia Balkan qua Montenegro, Albania và Macedonia.

* Đâu là chiêm nghiệm của riêng bạn cho hành trình đáng mơ ước với nhiều người trẻ này?

- Mình muốn mượn trải nghiệm ở Phần Lan, với nét văn hóa đặc biệt là tắm xông hơi (sauna). Người Phần Lan chọn sauna để trò chuyện với bạn bè bởi khi mỗi người không còn "lớp giáp bảo vệ" là quần áo, thư giãn trong hơi nóng dễ chịu, chúng ta không còn phòng bị và trở nên chân thật với chính bản thân. Những lúc ấy, người Phần Lan cho rằng mỗi người không còn phán xét người đối diện và dễ mở lòng hơn.

Mình đã có những cuộc trò chuyện như "ở phòng tắm sauna" trong suốt hành trình này, mở lòng với những người bạn mới. Mình rút ra dù khác nhau về văn hóa nhưng ai cũng muốn tìm kiếm hạnh phúc, khát khao được cống hiến và trân trọng từng giây phút chúng ta có. Có thể hoàn cảnh sống khác nhau nhưng ai cũng có ý chí vươn lên, lạc quan với tương lai, rộng lượng chia sẻ, giúp đỡ người khác.

Đi để trở về và gắn bó

* Có khoảnh khắc nào bạn từng nghĩ thật ra mình không cần "gồng mình" đi 34 nước thế không?

- Như đã nói, mình chưa bao giờ hối hận về hành trình này vì giúp mình hiểu được thực tế những nơi đã đến, biết những cơ hội mình có. Mỗi người đều có lựa chọn cho tương lai. Mình tự đặt mục tiêu học tập suốt đời, không bó buộc hay dừng ở giảng đường.

Các chuyến đi với những khám phá, trải nghiệm mới cũng giúp mình hiểu rõ bản thân hơn, biết mình đang ở đâu và cần làm gì để phát triển hơn.

Mình đã trở về và có cơ hội làm việc trong mảng đầu tư tạo tác động đúng với chuyên ngành cũng như mong muốn đóng góp cho xã hội, nhận ra cơ hội và muốn được gắn bó với nơi mình đã lớn lên.

Theo Nguồn tuoitre.vn

Đi 34 nước châu Âu trong 1 năm du học - Tuổi Trẻ