Thống kê của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2021 cho thấy, thế giới có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Huơng cho biết, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.
Đáng báo động là số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.
Dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, kết quả điều tra tại Việt Nam có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TW cũng cho biết, nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực.
TS. BS Đỗ Đình Tùng thăm khám cho bệnh nhân mắc ĐTĐ
Điều này khiến nhiều người băn khoăn, liệu giảm cân có chữa được đái tháo đường hay không?Trả lời băn khoăn này, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, giảm cân là một trong những biện pháp để điều trị đái tháo đường. Muốn điều trị đái tháo đường tốt thì ngoài giảm cân, người bệnh cần phải kết hợp giữa thuốc để đưa đường máu trở về bình thường và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, kiểm soát các biến chứng đái tháo đường.
'Còn giảm cân không điều trị khỏi hoàn toàn được bệnh đái tháo đường’, TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.
Một thực tế đáng báo động khác được BS Đỗ Đình Tùng chỉ ra rằng nhiều người còn có thói quen nhịn ăn sáng để giảm béo. Đây là biện pháp hết sức sai lầm. Bởi theo TS. BS Đỗ Đình Tùng việc nhịn ăn sáng vô hình dung 18 tiếng chúng ta không bổ sung năng lượng vào cơ thể.
Việc làm này dẫn đến tình trạng cơ thể có nguy cơ giảm đường máu. Mà việc giảm đường huyết vào buổi sáng càng nguy hại khi chúng ta bắt đầu phải làm việc.
“Nếu đường huyết giảm vào buổi sáng sẽ làm mệt mỏi, ít tập trung hơn vô hình dung những việc giảm đường máu lại làm tăng insullin (tăng đường máu lên) sinh ra nhiều các hóc môn để không bị hạ đường máu. Buổi trưa hệ thống hóc môn vẫn còn làm chúng ta ăn nhiều hơn, thèm ăn hơn dẫn đến tình trạng hấp thu thức ăn tốt hơn, đường vào tế bào nhiều hơn dẫn đến bệnh nhân có nguy cơ béo phì hơn”, TS. BS Đỗ Đình Tùng cảnh báo.
Các bác sĩ nhấn mạnh, việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng.
"Việc tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường" mang đến cơ hội để mang lại sự thay đổi có ý nghĩa cho những người đang sống chung với bệnh đái tháo đường và hàng triệu người khác có nguy cơ mắc bệnh"- TS. Phan Hướng Dương cho biết thêm.
Đặc biệt, nếu người bệnh đã được chẩn đoán, xác định chính xác đái tháo đường thì tuyệt đối không dừng thuốc khi triệu chứng đã giảm. Bởi theo TS. BS Đỗ Đình Tùng, khi đã mắc đái tháo đường được các bác sĩ kê đơn uống thì đường huyết trở về ổn định.
“Tuy nhiên cái ổn định này là do thuốc làm bệnh ổn định chứ không phải cơ thể đã được điều trị dứt điểm đái tháo đường”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.
Ông cho biết, người bệnh sau khi uống thuốc cần phải thăm khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Giai đoạn đầu khi đường huyết không ổn định, người bệnh có thể khám theo lời hẹn 2 tuần/lần, 1 tháng/lần; khi đường huyết ổn định đi khám định kỳ 2- 3tháng/lần.
Việc bỏ tái khám làm cho người bệnh kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến nhiều các biến chứng như: biến chứng tim mạch, biến chứng về mắt, biến chứng bàn chân, thần kinh hết sức nguy hiểm cho người đái tháo đường nếu không tái khám định kỳ.
N. Huyền