Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam, có khoảng 25% dân số bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ đang ngày càng tăng nhanh và nhiều hơn so với các quốc gia khác. Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, người bị béo phì còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
Gần đây, GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam - đã có buổi tư vấn trực tuyến về bệnh béo phì và các phương pháp điều trị.
GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Làm sao để biết mình đã mắc bệnh béo phì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ trong cơ thể, đến mức ảnh hưởng tới các hoạt động và gây ra tình trạng bệnh lý trong cơ thể. Tình trạng béo phì của người bệnh sẽ được xác định bởi chỉ số BMI (Body Mass Index) với công thức: BMI = Cân nặng/[(Chiều cao) x2]
Trong đó: BMI đơn vị thường dùng là kg/m2. Cân nặng tính bằng đơn vị kg. Chiều cao tính bằng đơn vị m.
Thừa cân, béo phì đang là vấn nạn sức khỏe nghiêm trọng của thế giới. Theo ước tính của WHO, có khoảng 1 tỷ người trên toàn cầu rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì. Trong đó, số lượng bệnh nhân béo phì đã là 300 triệu người.
GS. TS Trần Bình Giang cho biết, theo tiêu chuẩn thế giới, con người được chia thành 4 nhóm:
- Nhóm 1: Suy dinh dưỡng (BMI
- Nhóm 2: Bình thường (18,5
- Nhóm 3: Thừa cân (23,5
- Nhóm 4: Béo phì (BMI > 30)
Chỉ số BMIThừa cân, béo phì nguy hiểm như thế nào?
Tình trạng thừa cân, béo phì có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Trước đây người Việt Nam hay có quan niệm “béo khỏe, béo đẹp”, tuy nhiên điều này là không chính xác. GS. TS Trần Bình Giang cảnh báo, bệnh nhân bị thừa cân, béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng
- Bệnh lý hô hấp: rối loạn chức năng hô hấp, thiếu dưỡng khí do tắc nghẽn đường thở khi ngủ, hội chứng giảm thông khí
- Bệnh lý về gan: thoái hóa mỡ, viêm gan thoái hóa mỡ, xơ gan, bệnh lý túi mật...
- Ung thư: vú, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, tụy, thận, tiền liệt tuyến...
- Bệnh lý xương khớp: thoái hóa khớp, đau người...
- Bệnh da
- Bệnh mạch vành: cao huyết áp, viêm tắc tĩnh mạch
- Gout, đục thủy tinh thể, đột quỵ, tăng áp lực nội sọ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu
Điều trị thừa cân, béo phì như thế nào mới hiệu quả?
Theo GS. TS Trần Bình Giang, mọi người cần phân biệt rõ giữa tình trạng thừa cân và bệnh béo phì. Người mắc bệnh béo phì sẽ cần đến sự can thiệp từ y học về nhiều mặt như tâm lý, dinh dưỡng, vật lý, phẫu thuật… tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Nguyên lý của bệnh béo phì khá đơn giản: tình trạng cung cấp năng lượng cho cơ thể vượt quá mức tiêu thụ của cơ thể, khiến năng lượng bị tích tụ lại thành mỡ.
GS. TS Giang cho biết, có 2 cách để điều trị căn bệnh này.
Biện pháp thứ nhất là tăng mức độ tiêu hao năng lượng của cơ thể, chẳng hạn như tập thể dục, đi bộ, lao động… Tuy nhiên, những biện pháp này không quá hiệu quả, chỉ có tác dụng với những người bị thừa cân nhẹ. Biện pháp thứ hai là giảm nguồn năng lượng đưa vào cơ thể. Khi đó, cơ thể sẽ không có đủ năng lượng cho các hoạt động bình thường và phải huy động năng lượng dự trữ nằm ở mỡ.
Bác sĩ chỉ chỉ định phẫu thuật cho các bệnh nhân béo phì nếu họ đáp ứng các điều kiện sau:
- Dưới 65 tuổi
- Chỉ số BMI > 40 (35)
- Chỉ số BMI > 35 (27,5) kèm theo bệnh phối hợp (cao huyết áp, đái đường, đau khớp, bệnh lý hô hấp, cholesterol cao…)
- Sau khi điều trị bằng các phương pháp khác thất bại, điều trị nội khoa ít nhất hơn 1 năm
Theo GS. TS Trần Bình Giang, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều trường hợp béo phì quá nặng, nên chủ yếu chỉ áp dụng 2 kỹ thuật đặt vòng thắt dạ dày và cắt dạ dày ống đứng.
Với kỹ thuật đầu tiên, bệnh nhân sẽ được đặt vòng thắt quanh phần trên của dạ dày, để túi nhỏ chỉ chứa được một phần thức ăn rất nhỏ. Khi ăn, túi nhỏ sẽ căng ra, tạo nên các phản xạ gửi tín hiệu cho não rằng bệnh nhân đã no, không cần nạp thêm năng lượng. Ưu điểm của kỹ thuật này là không cắt vào dạ dày hay đường tiêu hóa, có thể tùy chỉnh độ khít của vòng hoặc tháo vòng.
Tuy nhiên, bởi vì bệnh nhân chỉ ăn được ít, kỹ thuật đặt vòng thắt dạ dày có thể gây ra một số bất tiện trong cuộc sống thường ngày, nhất là trong các dịp liên hoan, sinh nhật, hội họp…
Với kỹ thuật thứ hai, bác sĩ sẽ cắt bớt 2/3 hoặc 3/4 dạ dày của bệnh nhân theo chiều dọc. Về mặt giải phẫu, kỹ thuật này sẽ làm giảm lòng dạ dày, giúp chứa ít thức ăn hơn. Về mặt sinh lý, phần thân vị, hang vị, phình vị của dạ dày - nơi tập trung các thụ cảm hóa học, thụ cảm áp lực - hầu như sẽ bị cắt hết. Do đó, cảm giác đói sẽ giảm đi và bệnh nhân không cần ăn nhiều nữa.
Điều trị béo phì bằng phẫu thuật không phải là một kỹ thuật quá phức tạp nên thời gian mổ chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Do phẫu thuật nội soi nên bệnh nhân không cần lo lắng về sẹo trên thành bụng, có thể trở về nhà sau 1-2 ngày.
Bên cạnh đó, GS. TS Trần Bình Giang khuyến cáo mọi người không nên giảm béo bằng cách hút mỡ, nhất là ở trẻ em. Phương pháp này dùng ống hút luồn vào tổ chức mỡ dưới da bụng, phá hủy tổ chức liên kết ở đó và làm mỡ nhuyễn ra để hút. Hút mỡ có thể dẫn tới nhiều biến chứng như tổn thương mạch máu do vi mạch mỡ, tắc mạch phổi, ngộ độc thuốc tê, nhiễm trùng, xệ thành bụng… Người bệnh có khả năng sẽ béo trở lại, thậm chí còn tăng cân hơn trước do đây không phải là biện pháp chữa trị béo phì triệt để.
Đối với những trường hợp mới thừa cân, GS. TS Trần Bình Giang khuyên mọi người nên duy trì chế độ ăn cân bằng và lành mạnh, ít tinh bột, nhiều rau xanh, hạn chế đồ ngọt… Mỗi người có thể lựa chọn các bài tập thể dục khác nhau tùy theo sở thích và thể chất của mình, miễn là kiên trì lâu dài.
GS. TS Trần Bình Giang cũng cảnh báo thêm, hiện nay trên thị trường có quảng cáo rất nhiều loại thuốc chữa bệnh béo phì. Về mặt nguyên lý, các loại thuốc này chủ yếu thuộc hai nhóm: thuốc tác động vào thần kinh khiến người bệnh cảm thấy chán ăn và thuốc giảm hấp thu. Việc sử dụng thuốc bừa bãi, thiếu cẩn trọng có thể gây hậu quả khôn lường cho cơ thể. Do đó, mọi người cần đến đi khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
>>>>>>> Xem thêm Tổng hợp những tin nóng nhất trong ngày