Theo tâm linh, nháy giật mắt mang đến những điềm báo cho tương lai. Nhưng theo y học thì nháy mắt còn cảnh báo sớm một vài vấn đề bệnh tật, thậm chí là xuất hiện khối u.
Theo Roger E. Turbin – giáo sư của Viện Nhãn khoa và Khoa học tại trường Y Rutgers New Jersey (Mỹ), nháy giật mắt là một hoạt động co thắt lặp đi lặp lại, không tự chủ của cơ mí mắt. Tình trạng này thường xảy ra với mí mắt trên, nhưng trong một số trường hợp cũng xảy ra với mí dưới.
Nhiều người cho rằng đây là vấn đề nhỏ, chỉ cho giật vài cái rồi ngưng. Tuy nhiên, với một số người khác thì sự co giật này mạnh đến nỗi phải nhắm mắt lại. Các đợt nháy giật mí mắt không gây đau đớn và gây hại gì, sau vài phút sẽ tự biến mất. Thế nhưng cũng đừng vì vậy mà chủ quan bởi nó cũng là dấu hiệu của một số bệnh.
Nháy mắt là dấu hiệu sớm của một số loại bệnh tật
Cơ thể bị thiếu chất
Việc ăn uống không đủ chất, thường xuyên bỏ bữa cũng có thể gây nên chứng nháy giật mắt dài ngày. Chẳng hạn thiếu magie chính là nguyên nhân gây bệnh myokymia – một bệnh co giật mắt xuất phát từ các yếu tố liên quan tới lối sống.
Theo Liza M. Cohen - giáo sư nhãn khoa tại trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ): "Nháy giật mắt thường xuyên cũng là dấu hiệu của việc thiếu vitamin B12, vitamin D, thiếu chất photphat và canxi trong cơ thể. Lúc này bạn cần ăn uống đầy đủ hơn để giảm thiểu triệu chứng".
Mệt mỏi và căng thẳng quá mức
Một trong những nguyên nhân khiến mắt bị giật là do bạn đang chịu áp lực hoặc hoạt động quá mức. Nếu bạn thường xuyên bị mỏi mắt thì chứng co giật này sẽ càng xuất hiện nhiều hơn. Tốt nhất bạn hãy đến bệnh viện kiểm tra mắt hoặc thay kính để giảm áp lực lên mắt.
Bên cạnh đó, khi mệt mỏi và căng thẳng quá mức thì mắt cũng bị giật liên tục. Để khắc phục tình trạng này bạn nên nghỉ ngơi và điều chỉnh lối sống sinh hoạt. Điều này sẽ giúp giảm bớt chứng giật mắt đáng kể. Còn nếu kéo dài mãi vẫn không hết thì hãy đi khám.
Do dị ứng
Giáo sư Roger cho biết, khi cơ thể bị dị ứng, các nhân tố gây dị ứng sẽ giải phóng histamine tác động lên phức hợp protein. Lúc này cơ thể sẽ sản sinh và kích hoạt cơ chế phòng thủ giúp đẩy lùi các thứ gây dị ứng. Một trong số đó bao gồm việc nháy giật mí mắt.
Hiện tượng này như một tín hiệu cảnh báo sớm của cơ thể. Nếu không có giải pháp kịp thời, để mắt co giật quá nhiều sẽ dẫn đến các bệnh lý như viêm giác mạc, khô mắt hoặc thậm chí là mờ mắt tạm thời. Hãy vệ sinh mắt sạch sẽ và đến gặp bác sĩ nếu thấy bệnh trở nặng.
Do mắt có khối u
Giáo sư Roger cảnh báo, tuy xác suất xảy ra vấn đề này là vô cùng thấp nhưng bạn tuyệt đối không được chủ quan. Khi mắt nháy giật liên tục có nghĩa nó đang ngầm báo trong mắt có dị vật. Nếu tần suất nháy giật từ ngày này sang ngày khác thì có thể do các khối đang dần hình thành, chèn lên dây thần kinh dẫn đến tình trạng này.
Trong một số trường hợp hiếm gặp thì nháy giật mắt còn cảnh báo khối u trong mắt.
Khi nào thì cần đến bác sĩ kiểm tra?
Theo Roger và Liza, bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay nếu tình trạng nháy giật mắt trở nên trầm trọng theo các chiều hướng sau:
- Tình trạng này xảy ra ở cả 2 mắt
- Sự co thắt cơ này xảy ra ở những vị trí khác trên mặt chứ không riêng mí mắt nữa
- Kéo dài liên tục 1 tuần hoặc nhiều hơn
- Triệu chứng ngày càng tệ hơn theo thời gian
- Nháy giật mắt đi kèm với tê khuôn mặt, đau đầu hoặc mất thị lực
Bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế căng thẳng và ăn uống điều độ thì vấn đề này sẽ ít khi tìm đến. Hãy hỏi bác sĩ để thiết lập một chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng cường và duy trì sức khỏe đôi mắt. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng mắt giật.