Viêm gan virus được phân thành 5 loại chính: Viêm gan A, B, C, D và E.
Viêm gan A và E: Virus viêm gan A và E truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, từ các loại thức ăn, nước uống có nguồn gây bệnh. Điển hình là virus lây lan qua phân của người bệnh làm ô nhiễm nguồn nước hoặc nguồn lương thực thực phẩm. Các triệu chứng điển hình của viêm gan A và E có thể bao gồm: vàng da, đau dạ dày, màu sắc nước tiểu thay đổi, chán ăn, đau mỏi khớp, mệt mỏi, sốt… Trong đó, viêm gan E thường xuất hiện ở những vùng thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém. Với đa số các trường hợp viêm gan A và E, người bệnh có thể tự hồi phục, hầu hết có thể khỏi bệnh trong vòng vài tháng. Tuy nhiên với những người có khả năng miễn dịch kém, người già, người có bệnh nền khác hoặc phụ nữ có thai, bệnh có thể diễn biến nặng hơn và gây nguy hiểm.
Viêm gan B và C: Đây là hai dạng viêm gan phổ biến với sự mờ nhạt của các dấu hiệu. Các triệu chứng của viêm gan B và C thường không xuất hiện ngay lập tức khi cơ thể nhiễm bệnh. Người bệnh có thể không có biểu hiện bệnh trong thời gian lên đến 12 tuần, và trong thời gian này, bệnh luôn có khả năng lây nhiễm. Triệu chứng điển hình của viêm gan B và C bao gồm: nước tiểu sẫm màu, cơ thể đau nhức (chủ yếu ở cơ khớp), đau bụng, vàng da, vàng mắt, kén ăn, suy nhược. Virus viêm gan B và C có thể lây lan khi quan hệ tình dục, qua đường máu như sử dụng chung bơm kim tiêm bị phơi nhiễm và mẹ truyền sang con trong thời kỳ mang thai. Người già, người có tiền sử bệnh gan, bệnh thận hay tiểu đường, suy giảm hệ miễn dịch có nguy cơ cao mắc viêm gan B và C.
Viêm gan D: Một người chỉ có thể bị nhiễm viêm gan D nếu họ đã bị nhiễm viêm gan B. Điều này xảy ra theo hai cách: Viêm gan D và B có thể nhiễm cùng một lúc thông qua máu hoặc chất dịch cơ thể; hoặc người đó có thể bị nhiễm viêm gan B trước, sau đó bị nhiễm viêm gan D.
Hầu hết những người bị viêm gan D cấp tính sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và có nước tiểu sẫm màu hoặc đau bụng. Những người bị viêm gan D mãn tính có thể sẽ không có triệu chứng cho đến khi tổn thương gan xảy ra, khiến họ sụt cân và vàng da vàng mắt.
Phòng chống viêm gan
Các bệnh viêm gan có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng và tránh tất cả các yếu tố nguy cơ.
Những người bị bệnh gan, thận mãn tính hoặc HIV/AIDS phải tiêm phòng vì viêm gan virus ở những bệnh nhân này có thể dễ dàng chuyển sang các giai đoạn nghiêm trọng. Trước khi đi du lịch hay công tác ở bất kỳ quốc gia, khu vực nào có lưu hành các loại bệnh viêm gan, phải đảm bảo cơ thể đã được chủng ngừa. Giữ gìn vệ sinh môi trường, nơi ở và vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, đặc biệt lưu ý trong sử dụng thức ăn nước uống ở các vùng hay khu vực có nguy cơ viêm gan cao. Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân, nhất là các dụng cụ có thể đâm xuyên da như dao cạo hay kim tiêm.